Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

David Ricardo

David Ricardo (1772- 1823) xuất thân trong gia đình thương gia giàu có làm nghề chứng khoán, một nhà tư bản có địa vị trong số các gia đình giàu có ở châu Âu. Ông học hai năm trong trường thương nghiệp và nghiên cứu khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Địa chât,...). Ông có địa vị quan trọng trong sở giao dịch châu Âu, là một trong những người giàu nhất nước Anh lúc bấy giờ. Ông rất ham mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt sở trường của ông là môn Kinh tế chính trị. Từ năm 1809 đến năm 1816 cho in nhiều tác phẩm và tới 1817 nổi tiếng với tác phẩm: "Những nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khóa." Thế giới quan duy vật ở ông máy móc, xa rời quan điểm lịch sử nhưng dựa trên quan điểm sản xuất của chủ nghĩa tự do tư sản. Phương pháp của ông có tính chất siêu hình nhưng ông lại sử dụng rộng rãi phương pháp trừu tượng hóa khoa học để phân tích hiện tượng kinh tế, quá trình kinh tế nên trong sự phân tích bản thân nền Kinh tế tư bản chủ nghĩa, David Ricardo đã chiếm vị trí quan trọng.


Phần lớn tư tưởng học thuyết Ricardo ngày nay vẫn còn giá trị lớn và được giảng dạy rộng rãi. Các ấn phẩm của Ricardo đương thời không bán chạy lắm, nhưng qua thời gian loài người đã nhận thức đúng giá trị to lớn của chúng. Phần lớn các lý thuyết của ông tập trung vào lĩnh vực thị trường tiền tệ, và chứng khoán, bao gồm: Giá vàng cao, một bằng chứng xuống giá của giấy nợ ngân hàng (1810); Trả lời các quan sát của Bosanquet về báo cáo của Bullion Committee (1811); Đề xuất về đồng tiền an toàn và tiết kiệm (1816) Tác phẩm quan trọng về kinh tế học thị trường: Luận văn về ảnh hưởng của giá ngô thấp và lợi nhuận của cổ phiếu (1815); Các nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế khoá (1817).


Ricardo phát triển 2 học thuyết chủ đạo ngày nay vẫn là những nền tảng quan trọng: Phân phối lại về vốn: Ricardo rất lo lắng về tốc độ gia tăng dân số và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế. Ông lập luận dân số tăng thì ruộng đất bị khai thác nhiều hơn. Trong khi đó, lợi suất từ đất giống như lợi suất từ vốn không thể tăng như một hằng số ổn định. Cho nên thực ra thu nhập từ đất chịu tác động của luật lợi suất giảm dần. Càng nhiều đất tham gia vào sản xuất, mức lợi nhuận gia tăng càng giảm đi, cuối cùng, mức lợi suất không còn hấp dẫn với nguồn vốn đầu tư nữa. Tại điểm này, mức thu nhập từ cho thuê đất đã là tối đa. Việc phân phối từng yếu tố sản xuất tới từng hoạt động kinh tế có khả năng được quyết định bởi mức giá cho thuê nhượng khả thi. Vì lợi suất giảm dần, vốn sẽ dịch chuyển sang các hoạt động sinh lời tốt hơn. Lý thuyết thương mại quốc tế (lợi thế so sánh): Ricardo tập trung phân tích chi phí so sánh và tìm hiểu bằng cách nào để một quốc gia thu lợi được từ thương mại khi chi phí thấp hơn tương đối. Ví dụ: thương mại rượu vang và vải giữa Anh và Bồ đào nha. Ricardo chỉ ra rằng nếu một quốc gia sản xuất hàng hoá ở chi phí cơ hội thấp hơn, thì nên chuyên môn hoá vào đó. Và tham gia trao đổi hàng hoá quốc tế với quốc gia chuyên môn hoá ngành hàng khác. Chẳng mấy khó khăn để nhận ra Bồ đào nha thì nên chuyên môn hoá ngành gì trong lựa chọn Rượu vang hay vải! Lý thuyết này vẫn đúng ngày nay. Nếu tất cả các quốc gia đều chuyên môn hoá vào các lĩnh vực họ có lợi thế so sánh, mức phúc lợi toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

X-Japan